ROOM XX – Hành trình cho đi và nhận lại
- Trang Nguyen Pham
- Dec 16, 2015
- 3 min read
Updated: Apr 12, 2020
4 ngày tập huấn, 1 tháng nghiên cứu học hỏi và 2 ngày chính thức mô phỏng phiên họp tại Tòa nhà Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam, Room XX (do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường ISEE tổ chức) đã mang lại những trải nghiệm tuyệt vời. 50 thành viên – những cá nhân xuất sắc đến từ khắp nơi trên cả nước được chọn lọc từ hơn 400 đơn đăng kí tham gia mô phỏng những phiên họp của Cơ Chế Rà Soát Định Kỳ Phổ Quát – Universal Periodical Review (UPR).
Room XX là hành trình đưa những người trẻ đến gần hơn với những kiến thức về các thủ tục quốc tế, cơ chế ngoại giao và các vấn đề xoay quanh nhân quyền qua việc giả định phiên họp UPR trên nhiều cương vị, từ Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Phó thủ tướng tới Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của các quốc gia.
Trong phiên họp mô phỏng lần này, 3 nước được chọn kiểm điểm là Na Uy, Ba Lan và Nam Phi bên cạnh 13 quốc gia thành viên khác và tổ chức Human Rights Watch, Norwegian Centre against Racism tham gia đưa khuyến nghị về tình hình nhân quyền. Ba Lan là nước phải đối mặt với nhiều khuyến nghị từ các quốc gia thành viên nhất (64 khuyến nghị) nên khối lượng công việc mà 3 thành viên của Ba Lan phải tìm hiểu và xử lí là vô cùng lớn. Hành trình tham gia Room XX là những ngày thức đến 2-3 giờ sáng để hoàn thành báo cáo, giải quyết các khuyến nghị, là những khoảnh khắc thực sự nhập tâm vào vai những nhà ngoại giao trẻ để đối thoại và đàm phán quốc tế.

Nhưng có lẽ, trên tất cả những khó khăn vất vả hay thời gian và sức lực đã “cho đi” thì những gì mà các thành viên Room XX nhận lại còn lớn hơn thế rất nhiều. Hai chữ “nhân quyền” không còn xa vời và quá nhạy cảm khi được đề cập tới nữa. Trước khi đặt chân tới Room XX, có lẽ chẳng mấy người trẻ quan tâm và có đủ kiên nhẫn tìm hiểu về quyền của người bị tạm giam, các chính sách di cư, các điều khoản chống nhục hình và hơn thế nữa. Room XX cho họ cơ hội được tiếp xúc với nhân quyền một cách tự nhiên nhất, được nhìn nhận nhân quyền với một đôi mắt khác và được bảo vệ loài người bằng sức mạnh ngoại giao cùng tri thức của mình.

Bởi vậy mới nói, hành trình này được nhiều hơn mất. Hành trình này nhận lại được nhiều hơn cho đi. Và có lẽ, hành trình này đã và đang khơi nguồn cho nhiều động lực phát triển tới ngành ngoại giao và hoạt động nhân quyền trong tương lai của những người trẻ này. Thật khó để đoán được điều gì sẽ xảy đến, nhưng đây chắc chắn sẽ là một hành trình ý nghĩa và đáng nhớ với tất cả các thành viên Room XX. Với Room XX, chúng ta có quyền tin vào một tương lai sáng hơn trong hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.

Một chút may mắn, tôi trúng vào nhóm “Đại diện báo chí thế giới” với 6 thành viên khác cùng nhóm các bạn quan sát viên (nhóm quan sát viên chỉ có mặt vào buổi mô phỏng, nhóm phóng viên lợi thế hơn là được đào tạo chung cùng các bạn nhóm Human Right Watch, Norwegian Centre against Racism và các nước tham gia kiểm điểm)

Với bản thân, Room XX không chỉ mang lại kiến thức về nhân quyền, về cách làm thế nào để bảo vệ con người, bảo vệ thế giới, bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình mà còn cho Trang những mối quan hệ, những người bạn mà chắc chắn sẽ chẳng bao giờ gặp trong đời nếu như ngày đấy, tôi không nhấn vào nút “Submit” đơn đăng kí. Gửi Room XX nhiều hơn 2 tiếng “Cảm ơn”.
Để theo dõi toàn cảnh hành trình đến với Room XX của chúng tôi, ghé xem ghi chép thuật lại phiên họp bởi Phan Huy: Nhóm Báo chí tự do Room XX tại đây.


Comments