Nha Xá: cuối tuần nghe chuyện con thoi
- Trang Nguyen Pham
- Nov 27, 2018
- 2 min read
“Dích dắc dích dắc Khung cửi mắc vô Xâu go từng sợi Chân mẹ đạp vội Chân mẹ đạp vàng Mặt vải mịn màng Gánh ì gánh nặng Đến mai trời nắng Đem vải ra phơi Đến mốt đẹp trời Đem ra may áo”…

Ngày bé, tôi vẫn hay được mẹ đèo ra mấy cửa hàng may để chọn vải may đồ với mẹ, rồi chọn cúc, chọn khuy. Cảm giác khi bạn còn bé, được nằm lăn trên đống vải mềm mại, mát lịm ở cửa hàng rồi để người trượt trượt dần xuống thích thú đến lạ lùng. Hay khi đôi bàn tay vân vê trên từng cuộn vải lớn, rồi có loại vải mà cứ trượt tay đi – trượt tay lại thì vải lại đổi màu. Mùa hè năm ngoái, chiếc xe khách nhỏ đưa chúng tôi về Hà Nam, đi tìm một dòng văn hóa ẩn giấu. Ấy vậy để thấy rằng, không chỉ có lụa Vạn Phúc của Hà Đông tôi là nức lòng những người mộ tơ sợi, tằm tang.
Ở Hà Nam nắng gió, ven sông Hồng dưới chân cầu Yên Lệnh thanh bình, vẫn đó một làng nghề từng làm say đắm những lái buôn khắp mọi nơi – làng lụa Nha Xá. Lớn lên ở phía nam Hà Nội, lụa Hà Đông là một trong những niềm tự hào mà những người xung quanh tôi vẫn hay nhắc đến, nhưng không phải ai cũng biết đến một Nha Xá vẫn luôn đầy đam mê, được thổi hồn bởi những gia đình truyền thống, vẫn đều đặn để tiếng khung cửi, thoi đưa dệt nên những "mùa vải" mềm mại, rực rỡ sắc màu.
Nếu như những thanh âm mùa hè quen thuộc của một bé con Hà Nội như tôi là tiếng rao tào phớ những trưa hè, hay tiếng bánh bao trước mỗi giờ đi ngủ thì với anh Quyền, cô Nhi của Nha Xá, bên trong họ luôn dội về âm thanh quen thuộc của tiếng máy dệt, tiếng con thoi đưa đều sợi ngang, sợi dọc từ đầu khu hay cuối phố. Phong cách dệt vải của Nha Xá vẫn đâu đó khiến người ta bắt gặp được cái hồn của những giá trị truyền thống với những dải lụa hồng, lụa xanh, lụa vàng được trải dài, phơi trên những bãi đất, thảm cỏ xanh bát ngát.






Nếu ai đó thích tìm hiểu thêm về Nha Xá, thử xem thêm một chương trình khoảng 3 phút của VTV ở đây: Nét đẹp dân gian: Về thăm làng lụa Nha Xá.
(Toàn bộ ảnh trong bài này đều được credit bởi tôi và Tâm Phạm <ảnh 4 + 5>. Vui lòng trích nguồn và hỏi ý kiến tác giả nếu sử dụng).
Comments